Sự bình dị và dân dã của miền Tây thể hiện trong cả văn hóa ẩm thực. Những món ăn miền Tây được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn dưới ao, xung quanh nhà. Vậy mà cái phong vị đó cứ khiến người ta vương vấn khó quên đến lạ! Mặc dù đứng trước sự giao lưu với nền văn hóa ẩm thực phương Tây hiện đại, nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn giữ được “cốt cách”, cũng như nét đặc trưng của riêng mình, không những không bị đồng hóa, mà còn hấp dẫn ngược lại khách nước ngoài say mê món ăn Việt. Sự cất giữ và phát huy các loại bánh dân gian miền Tây qua mọi thời đại chính là minh chứng.
Khi nhắc đến hai từ “đại tiệc” chắc có lẽ phần nào ta đã tưởng tượng ra quy mô của các loại bánh dân gian miền Tây này? Tuy nhiên mỗi loại bánh vẫn giữ cho mình một nét đẹp riêng, không hề bị trộn lẫn hay hoà chung vào nhau.
Bạn có biết, ở Nam bộ hàng năm sẽ có một lễ hội các loại bánh dân gian miền Tây?
Đọc đến đây, bạn có thắc mắc rằng tại sao các loại bánh dân gian miền Tây vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù người Việt Nam đã được tiếp cận và trải nghiệm vô số các loại bánh phương Tây khác nhau? Câu trả lời chính là vì sự hấp dẫn của bánh Việt, từ những nguyên liệu dân dã, tươi ngọt, gần gũi với cuộc sống của người dân đến tấm chân tình của người làm được gửi gắm trong từng chiếc bánh. Mỗi một loại bánh dân gian miền Tây dù có hương vị riêng nhưng tựu chung đều toát lên vẻ mộc mạc và bình dị như chính con người ở vùng sông nước này; mùi nước cốt dừa thơm béo làm người ta thương nhớ chỉ với một lần “gặp gỡ”.
Cùng mình thưởng thức “đại tiệc” bánh dân gian miền Tây và đoán xem từng loại bánh được làm ra như thế nào nhé!
Bánh Tét miền Tây – đậm nét dân tộc
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng là hình ảnh đại diện cho các món ăn tiêu biểu trong mâm cỗ ngày Tết, thì ở miền Nam bánh tét sẽ đảm nhận sứ mệnh cao cả này. Bánh Tét đã có mặt từ thời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và tồn tại cho đến hôm nay. Bánh Tét miền Tây có 2 loại là bánh mặn và bánh ngọt, được làm từ nếp và các loại nguyên liệu khác như thịt heo, đậu xanh, đậu đen, chuối, dừa nạo,…
Ngoài dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bánh Tét trong các đám giỗ, đám cưới ở miền Tây. Thú vị nhất là không khí lúc các bà, các mẹ quây quần gói bánh, đôi tay của họ vô cùng khéo léo và chuyên nghiệp từ khâu chuẩn bị lá chuối, tẻ nếp đến đặt nhân, gói bánh, buộc dây và nấu bánh, miệng luôn tươi cười vì những câu chuyện hết sức giản dị, đời thường mà họ kể cho nhau nghe. Mọi thứ đều bình dị, đơn sơ ấy vậy mà khiến người ta cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc đến lạ thường!
Bánh canh bột xắt – xuất sắc khó tin
Ở Việt Nam, mỗi miền sẽ sáng tạo ra các công thức nấu bánh canh khác nhau, nào là bánh canh ghẹ Miền Trung, bánh canh Trảng Bàng ở Tây Ninh và bánh canh bột xắt Miền Tây. Bánh canh Miền Tây trở nên khác biệt hơn so với bánh canh ở các miền khác là vì bột bánh và nước cốt dừa béo ngậy. Để có được bột làm bánh là cả một quá trình, bởi người làm bánh phải chọn gạo, ngâm gạo rồi sau đó xay thanh bột.
Bằng các phương pháp dân gian khác nhau mà họ xắt khối bột ấy thành những sợi bột bánh canh dài và dẻo. Đặt biệt ở phần gia vị, nước cốt dừa được thêm vào để tăng thêm vị béo hoà với vị mặn của muối, vị ngọt từ thịt của tôm cua. Vào những ngày gió lạnh, thưởng thức một tô bánh canh nóng như thế thì thật sự rất tuyệt vời.
Bánh phồng nếp
Cái tên “phồng” nghe có vẻ oách đúng không? Vâng, tính cách của “anh phồng” nhà mình thật sự oách giống như cái tên vậy. Bởi lẽ “anh ấy” được sinh ra không mấy dễ dàng, phải trải qua rất nhiều công đoạn như quết, cán, phơi nắng,… thế nên đã giúp “anh” trở thành một “anh bánh” vô cùng mạnh mẽ và dẻo dai, đặc biệt luôn phồng mình trước tro lửa.
Tuy có vẻ đơn giản, không màu sắc bằng những loại bánh khác, nhưng hương vị của bánh phồng thì khó lòng phai nhạt
Ngày trước, “anh phồng” thường xuất hiện trên bàn thờ tổ tiên vào các ngày Tết ở vùng Tây Nam Bộ cùng với bánh Tét. Mặc dù ngày nay sự xuất hiện của món bánh dân gian miền Tây này vào dịp Tết Nguyên Đán đã không còn phổ biến nữa, thế nhưng chúng ta vẫn có hội bắt gặp bánh phồng trên những chiếc xe được đẩy khắp đường phố Sài Gòn.
Bánh da lợn đậu xanh – mong manh nhưng không dễ vỡ
Tiramisu? Mousse hoặc Crepe? Nếu bạn đang chán ngán với các loại bánh nước ngoài thì sao không thử trở lại với một loại bánh dân gian miền Tây – bánh da lợn. Đã có nhiều tranh luận rằng tại sao lại gọi là bánh da lợn mà không phải là bánh da heo như cách người Nam Bộ hay gọi con lợn là con heo. Nhưng lý do vì sao đi chăng nữa thì cái tên “da lợn” nghe rất đáng yêu và dễ nhớ, phải không nào?
Loại bánh dân dã này được làm từ nguyên liệu tự nhiên như bột (gạo, năng), đậu xanh, lá dứa, nước cốt dừa…Bánh được đổ theo từng lớp mỏng, lớp bột và lớp nhân xen kẽ nhau để tạo thành chiếc bánh dẻo dai.
Nhưng lý do vì sao đi chăng nữa thì cái tên “da lợn” nghe rất đáng yêu và dễ nhớ, phải không nào?
Khi cho bánh da lợn vào miệng, trước hết bạn sẽ cảm nhận được sự dẻo mềm cùng mùi lá dứa thơm lừng của lớp bột bánh,sau đó là vị ngọt béo của lớp nhân đậu xanh và đâu đó thoang thoảng mùi tro bếp vùng quê Nam Bộ. Bằng những nét đẹp giản dị, mộc mạc như thế, bánh da lợn đã khiến bao người nhớ thương chỉ sau một lần thưởng thức.
Bánh khoai mì nướng – ăn vào sướng cả tâm hồn
Đôi lúc, chúng ta bị cuốn vào cuộc sống bộn bề và tấp nập nên việc bỏ bữa hay những bữa ăn qua loa ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Những lúc như thế, ta thật sự thèm một bữa cơm gia đình ấm cúng, một chiếc bánh khoai mì nướng ngọt ngào từ mẹ. Bánh khoai mì nướng là loại bánh mộc mạc hơn bao giờ hết, người ta còn gọi đó là “bánh con nhà nghèo” bởi vào những năm đói kém, chúng ta chẳng có gì để ăn ngoài khoai lang, khoai mì hay các loại lương thực tự trồng khác.
Ấy vậy mà chiếc bánh khoai mì lại ngon và đặc biệt đến lạ thường, không chỉ vì bản chất thơm ngon của chiếc bánh mà trong loại bánh dân gian miền Tây ấy chứa cả một bầu trời tuổi thơ, chứa sự ấm áp từ trái tim của mẹ và một vùng quê yên bình.
Bánh tét, bánh canh bột xắt, bánh phồng nếp, bánh da lợn đậu xanh hay bánh khoai mì nướng… chỉ là một vài loại tiêu biểu trong hàng trăm loại bánh dân gian miền Tây. Ta thật tự hào vì được sinh ra ở một đất nước có nền văn hoá ẩm thực phong phú, cũng thật biết ơn ông bà tổ tiên, những nghệ nhân đã tạo nên những loại bánh để đời như vậy. Và nếu có dịp, các bạn nhớ ghé thăm miền Tây sông nước, cùng thưởng thức các món bánh dân dã, mộc mạc nhé!
Mọi thông tin về du lịch, đặc sản miền Tây, quý khách vui lòng liên hệ:
Dacsan.com – Đặc sản của bạn, miền đất của bạn!
Hotline: 0901 486 486.