“Đám giỗ bên cồn” là trend được nhắc tới nhiều trên TikTok gần đây chính là đám giỗ của người miền Tây. Mâm cỗ với sự xuất hiện của nhiều món, cho thấy một nền ẩm thực phong phú, hiếu khách. Cùng khám phá trong bài viết này!
Từ trend “đám giỗ bên cồn” tới văn hóa đám giỗ độc đáo của người miền Tây
Xuất phát từ loạt video của một Tiktoker, các clip nói về đám giỗ bên cồn bỗng nhận được lượt tương tác khủng. Nội dung các video này hầu hết là hình ảnh cuộc sống thường ngày của người dân miền Tây.
Với người dân miền Tây, dịp đám giỗ còn đông vui hơn cả ngày Tết. Đây là dịp bà con, hàng xóm, anh em, họ hàng trong gia đình đoàn tụ. Đặc biệt, gia chủ thường đãi khách với nhiều món ăn bày biện hấp dẫn.
Trong văn hóa đám giỗ của người miền Tây trước đây thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Hiện nay, thời gian đã rút ngắn lại, chủ yếu diễn ra trong ngày. Đếm sơ sơ thì trong mâm cỗ đám giỗ sẽ có khoảng từ 7 đến 10 món, là những món đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Có gia đình đãi món mặn, cũng có gia đình đãi món chay. Ngoài ra, gia chủ còn làm thêm các món như bánh tét, xôi vò hay bánh ít để làm quà cho khách đem về nhà.
Hãy cùng khám phá những món ăn đặc sắc xuất hiện trong đám giỗ của người miền Tây nhé!
Khám phá những món ăn đặc sắc trong các đám giỗ của người miền Tây
Bánh hỏi heo quay
Một đặc sản nức tiếng của các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ đó chính là bánh hỏi heo quay. Đặc trưng của món này là heo quay với lớp da giòn rụm, phần thịt mềm, mọng nước, vị ngọt ngon đậm đà, ăn kèm với bánh hỏi, chấm với mắm nêm để cân bằng các vị. Thịt heo quay được làm từ thịt ba rọi ngon. Riêng với bánh hỏi thì được làm từ bột gạo. Sau khi hấp chín thì được phết chút dầu hành để thêm phần hấp dẫn và tăng hương vị thơm ngon.
Cách ăn bánh hỏi heo quay phổ biến là cuốn cùng với bánh tráng, thêm dưa leo, chuối chát, rau thơm rồi chấm với nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm.
Bánh hỏi heo quay không chỉ xuất hiện trong các đám giỗ hay dịp lễ, tết mà còn được người miền Tây chế biến dùng trong cuộc sống thường ngày.
Cá lóc nướng trui
Miền Tây sông nước với kênh rạch và ruộng đồng đầy ắp cá, tôm. Trong đó, nơi đây được coi là nơi sản sinh món cá lóc nướng trui với hương vị độc đáo.
Đúng như tên gọi, cá lóc nướng trui được chế biến bằng phương pháp nướng. Những con cá lóc đồng thơm ngon, chắc thịt được rửa sạch bên ngoài, sau đó xiên vào que tre. Người miền Tây dùng lửa rơm lớn để nướng. Dưới sức nóng của lửa rơm, cá từ chín dần từ ngoài tới trong. Khi ăn, tách bỏ lớp da cháy bên ngoài, bên trong lộ phần thịt trắng mềm, thơm ngọt. Món này cũng thường được cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm với mắm me.
Cà ri gà
Gia vị cà ri được người Chăm và người Khmer ở miền Tây sử dụng nhiều trong ẩm thực. Trong đó, nổi tiếng là món cà ri gà. Cà ri gà được nấu từ thịt gà, nước cốt dừa, bột cà ri và các gia vị. Món ăn có đặc trưng béo ngọt, thơm và có vị cay nhé. Ngoài dùng thịt gà thì người miền Tây còn dùng thịt vịt để chế biến món này.
Gỏi củ hũ dừa tôm thịt
Một món ăn thường xuất hiện trong đám giỗ bên cồn đó là gỏi củ hũ dừa tôm thịt. Món này vừa xuất hiện phổ biến trong các dịp đình đám, vừa xuất hiện trong các bữa ăn hằng ngày. Gỏi củ hũ dừa tôm thịt có vị chua ngọt, thanh mát, ăn cuốn vô cùng. Món được làm từ tôm sú bóc nõn, tai heo thái mỏng, chút thịt ba rọi, phần củ hũ dừa và các loại rau thơm.
Phần củ hũ dừa là phần nằm sâu trong cây dứa bao gồm chồi non chưa nhú ra. Để có củ hũ dừa, người ra phải chặt cả cây dừa. Sau đó bào sợi dài làm món gỏi.
Gỏi củ hũ dừa tôm thịt là món ăn đóng vai trò giải ngấy nên thường được chế biến trong các mâm cỗ.
Lagu bò
Lagu bò là một một món ăn có cái tên rất Tây nhưng thực ra đã xuất hiện trong văn hóa đám giỗ miền Tây từ lâu. Được làm từ thịt bò nạm hầm cùng nước dừa và các loại rau củ như hành tây, khoai tây, đậu que, cà rốt, món ăn có nguồn gốc từ châu Âu này được người miền Tây chế biến thành món ngon hợp khẩu vị và được ưa chuộng tại đây. Lagu bò được ăn cùng bún hoặc bánh mì.
Canh khổ qua
Canh khổ qua là món ăn đặc trưng của các tỉnh Nam Bộ. Món canh này xuất hiện trong các dịp đặc biệt như lễ, tết, cúng đình, đám giỗ. Nguyên liệu làm món canh bao gồm khổ qua, thịt bằm, nấm mèo và gia vị. Thịt bằm trộn với nấm mèo và gia vị nhồi vào trái khổ qua, hầm trong nước xương tạo nên hương vị đắng, ngọt hòa quyện. Canh khổ qua có hương vị thanh mát, dễ ăn và ngon miệng.
Ngoài ra trong đám giỗ miền Tây còn có các đặc sản như xôi vò, bánh tét, bánh bò, bánh ít…
Trên đây là những món ăn đặc sắc thường xuất hiện trong “đám giỗ bên cồn” gây tò mò trong thời gian vừa qua. Để có những cảm nhận cụ thể, hãy dành thời gian tới khám phá và trải nghiệm văn hóa ẩm thực miền Tây nhé bạn!
Mọi thông tin về du lịch, đặc sản miền Tây, quý khách vui lòng liên hệ:
Dacsan.com – Đặc sản của bạn, miền đất của bạn!
Địa chỉ: Chung cư Tây Thạnh, Đường C8, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
Website: https://dacsan.com – https://dacsanmientay.com
Hotline: 0901 486 486
Email: trinhcukien@gmail.com